Về Miền Tây tham quan Chợ Nổi
Về Miền Tây tham quan Chợ Nổi
1. Chợ nổi – nét văn hóa độc đáo của miền Tây
Chợ nổi là một loại hình chợ thường xuất hiện tại vùng sông nước được coi là tuyến giao thông chính. Chợ nổi cũng giống như chợ trên đất liền chỉ có khác là người bán, người mua dùng ghe hoặc thuyền hoặc xuồng làm phương tiện vận tải và di chuyển. Địa điểm diễn ra chợ nổi thường là những khúc sông rộng hoặc khúc giao nhau giữa các nhánh sông, không quá rộng và cũng không quá hẹp, mực nước không quá nông cũng không quá sâu. Thuyền, ghe có thể di chuyển dễ dàng và “cặp” vào những nơi họ có nhu cầu mua hoặc bán. Chợ nổi có ở một số nước trên thế giới như Campuchia, Thái Lan.
Quang cảnh một buổi chợ nổi miền Tây vào những ngày giáp Tết
Ở Việt Nam, loại hình chợ nổi chỉ xuất hiện ở vùng sông nước miền Tây. Chợ nổi không chỉ là nơi thu hút khách đi tour du lịch miền Tây đến tham quan mà còn là nơi trao đổi, mua bán của các thương lái, thương hồ, lái buôn có nhu cầu mua bán hoa quả, nông sản hoặc các mặt hàng khác. Đây được xem là nét văn hóa đặc trưng vùng miền của miền Tây Nam Bộ. Ta có thể kể ra một số chợ nổi như sau:
Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ
Đây là chợ nổi lớn nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đi du lịch đến Cần Thơ, du khách không thể bỏ qua cơ hội được tham quan chợ nổi Cái Răng. Chợ nổi này nằm trên sông Cái Răng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 6km. Du khách có thể đi thuyền từ bến Ninh Kiều chỉ mất khoảng 30 phút. Chợ nổi Cái Răng thường tấp nập người mua, kẻ bán cùng hàng trăm thuyền, ghe lớn bé đậu san sát ngay từ sáng sớm. Ngày thường, chợ họp từ 3h đến 9h, đến cận Tết chợ họp gần như suốt ngày. Ở chợ này ngoài nông sản, trái cây thường thấy, du khách còn có thể thưởng thức các món ngon đặc sản ở miền Tây và có cả café, quán nhậu trên chợ nổi.
Chợ nổi Phong Điền - Cần Thơ
Ở Cần Thơ ngoài chợ nổi Cái Răng, người ta còn biết đến chợ nổi Phong Điền. Đây là điểm mua bán tấp nập không kém gì các chợ nổi khác và còn là điểm tham quan hấp dẫn du khách mỗi lần đi du lịch Cần Thơ. Chợ nổi Phong Điền nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17 km về phía Đông Nam. Chợ nổi này thường nhóm vào khoảng 4-5h sáng và đến tầm 7-8h là lúc chợ cũng tan dần.
Trái cây là mặt hàng thường thấy nhất ở các chợ nổi miền Tây
Nếu chợ nổi Cái Răng buôn bán mặt hàng nông sản là chủ yếu thì chợ nổi Phong Điền có sản phẩm phong phú và đa dạng hơn như xuồng, ghe, lá lợp nhà, dao, cuốc, rựa, chài, lưới, lờ, lọp, thúng, rổ, nong, nia, sàng, sịa, cần xé... Ngoài ra, chợ còn bán cả thức ăn như hột vịt lộn, bún nước lèo, bún thịt nướng, cháo lòng, gỏi vịt, hủ tiếu, cà phê...
Chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang
Chợ nổi Cái Bè được xem là chợ nổi tiếng xếp thứ 2 sau chợ nổi Cái Răng. Chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang, vì thế rất thu hút lưu lượng du khách từ thành phố Hồ Chí Minh đổ về. Chợ nổi này có mặt từ thế kỷ 18, ngay khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Chợ nổi Cái Bè cũng nhộn nhịp người đến mua bán trao đổi hàng hóa không kém gì chợ nổi Cái Răng. Du khách đi du lịch Tiền Giang có thể ghé thăm chợ nổi, quan sát cảnh ghe thuyền đi lại như mắc cửi. Chợ thường họp sớm từ 2h – 8h sáng là vãn chợ. Người dân có thể mua sắm đồ gia dụng hay vải vóc hoặc nhiều món đồ khác cần thiết trong đời sống. Du khách có thể mua xà bông làm từ dừa, một loài hàng đặc trưng ở chợ nổi Cái Bè.
Chợ nổi Phụng Hiệp (chợ nổi Ngã Bảy) - Hậu Giang
Ở miệt Hậu Giang người Nam Bộ cũng đã hình thành nên chợ nổi Phụng Hiệp. Chợ nổi này còn có tên khác là chợ nổi Ngã Bảy vì nó nằm trên ngã bảy Phụng Hiệp, nơi 7 tuyến sông gặp nhau. Chợ nổi Phụng Hiệp cách thành phố Vị Thanh, Hậu Giang 75km và trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 30km về phía Nam. Chợ Phụng Hiệp tập trung hàng trăm ghe thuyền chuyên chở hàng hóa để trao đổi mua bán từ hàng thủ công mỹ nghệ đến các loại mặt hàng như rắn, rùa, ba ba, tắc kè, kì đà…
Trên chợ nổi, cũng có thể mua được vé số
Chợ nổi Long Xuyên - An Giang
Do nhu cầu mua bán của những người dân ở vùng sông nước An Giang vì thế chợ nổi Long Xuyên ra đời. Cách trung tâm thành phố chừng 2km, chợ nổi Long Xuyên tuy không nổi tiếng như các chợ khác nhưng đến đây du khách vẫn có thể cảm nhận được nét văn hóa chợ trên sông rất đặc sắc của miền Tây Nam Bộ. Chợ nổi Long Xuyên nhiều nhất là các loại hoa màu như rau, dưa cà, cải, bí, khoai...; trái cây thì có chuối, bưởi, cam, quýt... Du khách có thể tham quan chợ nổi cả ngày vì chợ này họp từ sáng đến tối chứ không như một số chợ nổi khác.
Chợ nổi Trà Ôn, Vĩnh Long
Ở khu vực Vĩnh Long người dân cũng đã hình thành nên chợ nổi Trà Ôn, cách vàm Trà Ôn 250m. Chợ nổi Trà Ôn là một chợ nổi ở hạ lưu sông Hậu có chiều dài trên 300m. Đặc điểm của chợ này là thường họp theo con nước nên nước lớn thì chợ đông, nước nhỏ thì chợ vãn. Chợ nổi Trà Ôn mang tính chất của chợ đầu mối, sản lượng bán ở đây lớn, thường là bán sỉ và bán cho các thương lái mua về bán cho thành phố các mặt hàng như khoai mỡ, khoai ngọt, dưa chuột, khổ qua, cam sành Tân Thành, vú sữa Hòa Bình, sầu riêng Lục Sĩ Thành... Chợ Trà Ôn có những ghe bán hoa kiểng trang trí nhiều màu, khá lạ mắt. Du khách dạo chợ nổi Trà Ôn nên tìm thưởng thức cá cháy, là một loại đặc sản ở đây.
Mua bán trao đổi hàng hóa trên chợ nổi miền Tây
Chợ nổi Ngã Năm - Sóc Trăng
Ở khu vực Sóc Trăng, chợ nổi Ngã Năm từ lâu cũng rất nổi tiếng. Chợ nổi này thuộc thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Chợ nổi Ngã Năm là giao điểm của năm con sông đi năm ngả Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Chợ nổi này vẫn mang đậm dấu ấn đặc trưng văn hóa chợ nổi của khu vực đồng bằng Nam Bộ. Chợ hoạt động suốt ngày, lúc nào cũng thấy đông người và là nơi neo đậu chờ lấy hàng hóa của thương lái đến từ nhiều vùng miền.
Nhờ có khúc chợ này mà việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của 3 tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu được dễ dàng. Chợ nổi góp phần lưu chuyển hàng hóa từ chợ về các vùng xa xôi của mạn Nam sông Hậu và cả khu vực Cà Mau. Chợ này vì đường giao thông đường bộ chưa thuận tiện để thu hút du khách đến tham quan vì thế chợ chủ yếu tập hợp người dân địa phương có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Vì vậy, mặc dù chợ này vẫn giữ được nét hoang sơ, giữ được cái hồn vốn có của chợ nổi miền Tây như rất hạn chế việc khách du lịch đến tham quan so với các chợ nổi khác ở miền Tây.
Du khách nước ngoài tham quan chợ nổi miền Tây
2. Cách tiếp thị trên chợ nổi miền Tây
Chợ nổi họp trên sông nhưng đừng nghĩ hàng hóa hạn chế vì di chuyển khó khăn hơn trên đất liền. Ở đây Quý khách có thể tìm mua được từ cá, tôm, cua cho đến vải vóc, kim chỉ, giày dép… thậm chí vé số cũng có bán. Khác với chợ trên đất liền, chợ nổi vì sợ “khuất tầm nhìn” nên người ta “tiếp thị” bằng cách treo vật, sản phẩm cần bán ở trên 1 cây sào mà người ta hay gọi là cây bẹo. Ví dụ như xuồng bán dứa, bán bí, bán chuối, họ treo mỗi thứ 1 cái lủng lẳng trên cây, nhìn từ xa các thuyền khác sẽ nhận ra và nếu có nhu cầu mua, bán, họ sẽ “cặp” xuồng ghe lại.
Cũng có những kiểu tiếp thị mà nếu không phải người miền Tây thì khó mà biết. Đó là nếu họ treo quần áo, thì không có nghĩa là họ bán quần áo mà là họ xem thuyền, ghe là nhà nên phơi phóng quần áo vậy thôi. Kiểu tiếp thị độc hơn là họ treo chùm lá dừa hay chiếc nón lá thì người tinh ý biết là người treo muốn bán xuồng, ghe. Còn có những mặt hàng ăn uống như bún, hủ tiếu, café, nước thì thường là họ không treo gì cả. Du khách đi du lịch chợ nổi, nếu muốn mua gì thì cho ghe, xuồng cập vào sát những ghe xuồng bán mặt hàng đó để mua. Có xuồng “tiếp thị” bằng cách đi đến tận xuồng của những người mua để bán. Nói chung là cách tiếp thị trên chợ nổi muôn hình vạn trạng và rất thú vị đối với những ai không phải người dân miền sông nước.
Cách tiếp thị trên chợ nổi “treo cái gì bán cái ấy”
3. Về miền Tây, hừng đông đi dạo chợ nổi
Du khách đi du lịch về miền Tây ở các khu vực như Tiền Giang, Cần Thơ… nếu có ý định đi tham quan chợ nổi, hãy thức dậy thật sớm và đi lúc mặt trời chưa mọc. Nghĩa là vào khoảng hừng đông du khách đã có mặt ở chợ để quan sát hết cảnh sinh hoạt mua bán tấp nập ở đây. Thường là các chợ nổi hay nhộn nhịp lúc vào khoảng giờ này, người mua, người bán, người bốc hàng, người xếp hàng, người quăng hàng, người kiểm đếm hàng rồi những âm thanh cười nói, tiếng gọi nhau, tiếng mặc cả, tiếng đùa giỡn… tạo nên một hình ảnh, âm thanh chợ nổi thật sống động.
Những mảnh đời mưu sinh trên chợ nổi
Đồng bằng sông Cửu Long “đất ít nước nhiều”, kênh rạch chằng chịt, thuyền ghe tấp nập đã tạo nên những buổi chợ nổi đặc trưng, rất miền Tây, không chỉ du khách Việt Nam mà ngay cả du khách nước người cũng thích thú và ấn tượng. Đến chợ nổi, du khách sẽ tìm hiểu thêm về cuộc sống của những thương lái, thương hồ, của những mảnh đời vất vả mưu sinh “bám xuồng, bám nước”. Ở đó, có những mảnh đời cơ cực, cũng có những triệu phú giàu sang, ở đó có chủ vựa trái cây giàu bạc tỉ cũng có những người bán vé số kiếm sống từng ngày. Sông nước miền Tây luôn mời gọi du khách, chợ nổi miền Tây luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với những ai yêu thích loại hình này.
Nhận xét
Đăng nhận xét