Thăm thú Bạc Liêu
Thăm thú Bạc Liêu
Bạc Liêu có một con đường rất độc đáo mà du khách du lịch thường đến. Con đường mang tên người đã sinh ra bản Dạ Cổ hoài lang - tiền thân của những bài bản vọng cổ sau này - đó là nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Có thể nói, những đặc thù du lịch của vùng đất bạc liêu đều tập trung ở con đường dài hơn... 10km này. Vừa rời khỏi trung tâm thị xã Bạc Liêu là nhà lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Vào đây, bạn sẽ được nghe kể về người cha của bản Dạ Cổ hoài lang, trường hợp ra đời của nó.
Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Xa hơn một chút, cách thị xã Bạc Liêu 4km là vườn chim với hơn 30 loại. Trong đó có những loại chim quí như Sumatra, cò diệc, cò mồi, chàng bè, bìm bịp... Vườn chim còn là khu rừng tiêu biểu, tập trung nhiều loại cây mà thường ta chỉ được nghe qua sách báo như đước, mắm, chà là, dừa nước, ô rô... Khu rừng rộng tới hơn 50ha, được bảo vệ gần như nguyên sinh. Bạc Liêu đang qui hoạch thị xã trung tâm cho tỉnh lị mới. Rồi đây, cả vùng Đông Nam Á sẽ không nơi nào có một khu rừng nguyên sinh - vườn chim như Bạc Liêu nằm sát trung tâm thị xã.
Cái lạ của rẻo đất này là bên cạnh khu rừng đặc thù là những giống cát chạy dài 14 km cặp theo ven biển Đông. Không ở đâu có những cây nhãn trường thọ như Bạc Liêu. Hương vị ngọt đậm đà, thơm ngon rất lạ. Cũng tại nơi này còn có một ngôi chùa Khơ Me tên Xiêm Cán được xây dựng từ năm 1887 với kiến trúc Khơ Me được cách tân độc đáo.
Vườn nhãn trăm tuổi nổi tiếng Bạc Liêu
Rời vườn nhãn, khách sẽ thấy trước mặt mình là cánh đồng muối trắng tinh. Tham quan ruộng muối, khách sẽ được chứng kiến một nghề truyền thống lâu đời với cách làm muối đã có hàng trăm năm. Muối Bạc Liêu được xem là ngon nhất nước, hơn cả muối Sa Huỳnh nổi tiếng.Giữa đồng muối là khu nuôi tôm công nghiệp. Đến đây khách được hiểu rõ qui trình từ lúc con tôm còn ấu trùng cho đến khi thành thương phẩm xuất ra nước ngoài.
Ruộng muối Bạc Liêu
Cuối cùng là bãi biển mà theo khảo sát là một trong những bãi tắm sạch đẹp, hiếm hoi của Đồng Bằng Sông Cửu Long với 3 cái nhất mà không phải nơi nào trong nước cũng có: độ lún của cát, dòng chảy của nước và cường độ của gió. Thị xã Bạc Liêu vừa cho đào xong con kênh 30.4 nối liền thị xã ra biển, biến nơi đây thành làng cá. Hiện nay, sau khi tắm biển, khách có thể thả bộ tham quan làng cá, tìm hiểu nếp sống, sinh hoạt của dân làng chài.
Tượng Phật bà Nam Hải
Trên bãi tắm là tượng phật Bà Nam Hải do ngư dân dựng lên. Sau tết nguyên đán dân Bạc Liêu và tứ xứ đổ về lễ hội Bà, cầu được tai qua nạn khỏi, một năm làm ăn sung túc. Đáng tiếc, bãi biển lý tưởng là thế cũng chưa được ngành du lịch đầu tư đưa vào khai thác để người dân muốn tắm biển cứ phải đợi dịp đi tham quan ra tận Vũng Tàu, Nha Trang.
Nhận xét
Đăng nhận xét